Site icon An Cung Trúc Hoàn

Quá trình hình thành xơ vữa động mạch – nguyên nhân gây đột quỵ

xo-vua-dong-mach

Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một bệnh lý xảy ra đột ngột và rất nguy hiểm. Về bản chất đột quỵ não là một bệnh lý mạch máu não, do tổn thương mạch máu cấp máu cho não. Có 2 loại đột quỵ não là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Một trong những yếu tố quan trọng gây nên đột quỵ não là xơ vữa động mạch.

Quá trình hình thành xơ vữa động mạch – nguyên nhân gây đột quỵ

Quá trình hình thành các mảng xơ vữa

Các mảng xơ vữa động mạch hình thành do tổn thương các tế bào nội mạc, làm cho các tế bào đó mất chức năng bảo vệ thành mạch. Tổn thương có thể do ảnh hưởng của dòng máu có áp lực cao liên tục tác động đến như trong bệnh tăng huyết áp, do ảnh hưởng của thuốc lá, một số thuốc và hóa chất, thức ăn, rối loạn lipid máu, nhiễm khuẩn và virus, các yếu tố miễn dịch…

Khi bị tổn thương, các tế bào nội mạc tại chỗ mất khả năng tiết ra prostacyclin. Tiểu cầu lập tức tách ra khỏi dòng máu để tập trung vào chỗ đó và kết dính lại, phóng thích ra nhiều chất trong đó có yếu tố tăng trưởng, yếu tố này kích thích sự di chuyển các tế bào cơ trơn ở lớp trung mạc ra lớp nội mạc và phát triển mạnh tại đó. Các bạch cầu đơn nhân từ dòng máu cũng đến ngay chỗ tổn thương và được chuyển dạng thành đại thực bào. Các đại thực bào này biến các LDL-C thành các “tế bào bọt” tích đầy mỡ, khi quá tải, các tế bào này vỡ  ra và đổ cholesterol ra ngoài làm cho lớp dưới nội mạc dày lên tạo nên các vạch lipid hay các mảng xơ vữa.

Bên cạnh việc góp phần tạo ra các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, tăng cholesterol máu có thể làm tổn thương lớp nội mạc. Chính vì thế, lý giải vì sao tăng cholesterol máu lại đóng vai trò quan trọng đến như vậy trong quá trình hình thành mảng xơ vữa gây tắc hẹp động mạch vành.

Một quan niệm phổ biến cho rằng xơ vữa động mạch là bệnh của tuổi già, tuy nhiên theo chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng – chống vữa xơ động mạch đã nhấn mạnh: cần dự phòng vữa xơ động mạch ngay từ tuổi học đường.

Xơ vữa động mạch nếu được can thiệp điều trị sớm hoặc có chương trình dự phòng tốt thì hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh. Tuy nhiên rất nhiều người đã bỏ qua các dấu hiệu của vữa xơ động mạch dẫn đến thiếu máu não và nặng hơn nguy cơ đột quỵ não cao do: Mảng vữa xơ gây chít hẹp lòng mạch làm nghẽn, tắc tại chỗ gây đột quỵ nhồi máu não. Hoặc mảng vữa xơ bong ra trôi theo dòng máu đến gây tắc ở vị trí khác. Xơ vữa động mạch cũng là nguyên nhân dẫn tới cục máu đông. Tại vị trí mảng vữa xơ, bề mặt bị tổn thương không còn trơn nhẵn như thành mạch máu bình thường. Tại đó tiểu cầu dễ bị đông vón, tạo thành cục máu đông gây bít tắc mạch tại chỗ hoặc trôi đi gây tắc mạch ở vị trí mạch nhỏ hơn. Ngoài ra, tại vị trí vữa xơ trở thành điểm yếu của thành động mạch bị vỡ ra gây đột quỵ chảy máu não.

Mảng vữa xơ thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài, không có triệu chứng. Người bệnh chỉ phát hiện dấu hiệu bệnh khi mảng vữa xơ chít hẹp trên 50% đường kính lòng động mạch hoặc vị trí chít hẹp đúng vào vị trí xung yếu của tuần hoàn khu vực. Do vậy muốn phát hiện sớm bệnh vữa xơ động mạch đồng thời ngăn ngừa tai biến mạch máu não (đột quỵ não), người bệnh cần định kỳ đi khám chuyên khoa, làm các xét nghiệm cần thiết như: siêu âm mạch máu, xét nghiệm thành phần mỡ máu…Bên cạnh đó có thể sử dụng các sản phẩm đông dược lành tính để phòng ngừa xơ vữa động mạch, ngăn ngừa thiếu máu não và đột quỵ não.

Cách phòng ngừa xơ vữa động mạch

Muốn phòng ngừa xơ vữa động mạch, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp với những lưu ý sau:

– Hạn chế ăn mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà,  hạn chế ăn các loại thịt đỏ vì chúng có nhiều cholesterol.

– Mỗi tuần nên ăn từ 2 – 3 lần cá trong mỗi bữa ăn thay cho ăn thịt, bởi vì trong mỡ cá có nhiều chất béo omega-3 mà chất này rất tốt cho thành động mạch. Không nên ăn các loại lòng như lòng lợn, lòng trâu, bò và hạn chế ăn tôm, trứng.

– Tăng cường lượng rau xanh, hoa quả.

– Cần vận động cơ thể như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao tùy theo sức mình.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên. Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp nhằm làm giảm lượng cholesterol mà không đạt kết quả thì phải dùng thuốc. Tất nhiên dùng loại thuốc gì và dùng liều lượng ra sao, trong thời gian bao lâu cần có chỉ định (đơn thuốc) của bác sĩ khám bệnh.