Như chúng ta đã biết, đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý rất nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong rất cao. Đột quỵ có thể ảnh hưởng tới bất cứ vị trí nào trong não. Một cơn đột quỵ ở thân não thường nhỏ nhưng có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng. Hãy cùng đi tìm hiểu chi tiết hơn về đột quỵ ở thân não trong bài viết này nhé!
Triệu chứng đột quỵ ở thân não và những điều nên biết về đột quỵ ở thân não
Thân não là một khu vực của não bộ giúp kết nối các hoạt động cao cấp về thể chất và chức năng của não với phần còn lại của cơ thể. Đây cũng là trung tâm duy trì một số chức năng cơ bản của cơ thể, chẳng hạn như điều hòa hơi thở và điều hòa nhịp tim. Phần thân não nằm sâu trong não và kéo dài xuống phía sau đầu, ngay nơi giao thoa giữa hộp sọ và cột sống.
Đột quỵ ở thân não xảy ra do sự gián đoạn cung cấp máu trong các động mạch nhỏ phía sau cổ và não, ví dụ như là động mạch nền, động mạch tiểu não trước trên phải, động mạch tiểu não trước trên trái và động mạch đốt sống hai bên. Các nguyên nhân gây ra đột quỵ ở thân não cũng giống với các nguyên nhân gây đột quỵ ở các vùng khác của não.
Các triệu chứng của đột quỵ ở thân não là gì?
Một cơn đột quỵ ở thân não có thể gây ra một loạt các triệu chứng. Nó có thể dẫn đến yếu liệt hay mất cảm giác ở bên cơ thể đối diện với bên thân não bị tổn thương. Nó gây nên tình trạng nhìn đôi vì chức năng kiểm soát các cử động của mắt nằm ở phần thân não. Khi một bên mắt không thể cử động và bên mắt còn lại vẫn hoạt động bình thường – điều này dẫn đến việc thiếu sự chuyển động đối xứng và do đó gây nên triệu chứng nhìn đôi. Đột quỵ ở thân não thường gắn liền với việc kích thích các đồng tử sẽ không đều. Chóng mặt hay cảm giác quay quay là những triệu chứng thường gặp khi bị đột quỵ ở thân não vì cảm giác về sự thăng bằng được điều khiển ở thân não. Ngoài ra có thể bị liệt một bên mặt gây ra triệu chứng sụp mi mắt hoặc méo miệng một bên mặt.
Đột quỵ thân não có thể gây chứng khó nuốt, nói lắp hoặc làm cho lưỡi chỉ đưa qua được một bên, mất khả năng đưa qua bên còn lại. Nó cũng có thể gây yếu cơ nâng vai biểu hiện qua việc không thể nâng đều hai vai.
Trong một số trường hợp, đột quỵ ở thân não có thể dẫn đến chứng nấc cục.
Bệnh này cũng có thể dẫn đến việc bị thay đổi tri giác và hôn mê do thân não có vai trò điều hòa hơi thở và chức năng tim mạch.
Sự khác nhau giữa đột quỵ ở thân não và đột quỵ ở vỏ não là gì?
Một trong những đặc điểm giúp phân biệt một cơn đột quỵ ở thân não với một cơn đột quỵ ở vỏ não là sự ảnh hưởng đến cảm giác của khuôn mặt. Một cơn đột quỵ ở thân não khiến cho khuôn mặt bạn bị liệt và tê cùng bên với bên đột quỵ. Trong khi đó nếu cơn đột quỵ ở vỏ não, nó sẽ gây ra liệt ở phía đối diện của mặt. Đây là một trong những đầu mối mà các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sử dụng để chẩn đoán đột qụy ở thân não.
Hội chứng đột quỵ ở thân não là gì?
Một số hội chứng đột quỵ ở thân não bao gồm một tập hợp các triệu chứng dường như không liên quan nhưng lại xảy ra đồng thời vì trung khu kiểm soát những vận động này là những vùng rất nhỏ tập trung ở thân não và có chung một nguồn cung cấp máu.
- Ondine’s curse (Lời nguyền của Ondine) – ảnh hưởng đến khả năng tự thở do thương tổn ở vùng tủy dưới.
- Hội chứng Webers – là cơn đột quỵ ở não giữa gây nên sự suy yếu ở bên kia cơ thể kết hợp với sụp mí và mất các cử động mắt cùng bên cơ thể.
- Hội chứng khóa trong (Locked in syndrome) – là cơn đột quỵ ảnh hưởng đến não và dẫn đến tình trạng không thể cử động bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể cũng như không thể giao tiếp nhưng nhận thức vẫn còn nguyên vẹn và trong một số trường hợp có thể cử động được mắt.
- Hội chứng Wallenberg, còn được gọi là hội chứng tủy bên – gây nên mất cảm giác ở bên mặt cùng bên với đột quỵ và mất cảm giác cơ thể ở phía đối diện của đột quỵ.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh đột quỵ ở thân não thế nào?
Công việc chẩn đoán đột quỵ ở thân não đòi hỏi sự am hiểu thấu đáo và kinh nghiệm chữa trị các bệnh về thần kinh. Dấu hiệu của cơn đột quỵ ở thân não thường không hiện rõ bằng đột quỵ ở các vị trí khác của não khi chụp bằng CT scan hay MRI. Phần thân não thì tương đối nhỏ và thường rất khó để quan sát cho đầy đủ vì các xương lân cận của hộp sọ và phần trên của cột sống che khuất. Những cơn đột quỵ ở thân não mà có triệu chứng rất khó thấy thì chỉ có thể chẩn đoán được bằng cách khám lâm sàng tỉ mỉ và sẽ mất từ vài ngày tới vài tuần để những hình ảnh của đột quỵ thân não xuất hiện trên các xét nghiệm chụp hình – giúp xác định chẩn đoán vững chắc hơn.
Bệnh này có để lại hậu quả gì nghiêm trọng không?
Cũng giống như đột quỵ ở các khu vực khác của não, sự dự đoán kết cục về đột quỵ ở thân não cũng rất khó đoán trước. Các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ và gây ra nguy hiểm chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày sau cơn đột quỵ trước khi bắt đầu phục hồi dần. Sự chăm sóc và theo dõi bệnh nhân cẩn thận có thể giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất có thể và giảm thiểu tàn tật sau khi trải qua cơn đột quỵ ở thân não.
>> Có thể bạn quan tâm:
Những thói quen có thể gây bệnh đột quỵ ai cũng nên biết.
Phòng ngừa bệnh đột quỵ khi thời tiết giao mùa
6 Cách ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh tai biến mạch máu não