Đang chơi bóng, bác sĩ 31 tuổi ngã xuống rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn, kết quả chụp X-quang thấy xuất huyết dưới nhện.
Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu 2 ngày trước. Anh không có triệu chứng báo trước nào của yếu tố nguy cơ như huyết áp cao hay tiểu đường. Anh được các bác sĩ cấp cứu tích cực nhưng không qua khỏi.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây là trường hợp rất đáng tiếc, chỉ đến khi chụp chiếu mới phát hiện bệnh nhân có bất thường mạch máu não. Bệnh nhân có ổ vỡ mạnh máu não lớn, diễn biến nghiêm trọng. Vì thế, khi vừa ngã xuống bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn sớm và tử vong sau đó do tổn thương quá lớn.
“Trời nắng nóng và đá bóng không phải là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong, nhưng có thể là yếu tố tác động làm tăng nguy cơ ở người vốn có sẵn bệnh về mạch não”, bác sĩ Chi nói.
Bác sĩ Chi cho biết không ai biết được mình có bất thường dị dạng phình mạch máu não hay không, muốn biết phải được tầm soát. Bác sĩ thường khuyên người trong gia đình của bệnh nhân đã có tình trạng này nên đi tầm soát. Việc tầm soát dị dạng phình mạch không cần thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến tập luyện và lao động. Trong môi trường nắng nóng, nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng cho thể gây ra nhiều biến cố. Trong đó, sốc nhiệt (còn gọi là say nắng) là dễ gặp nhất, nhưng thường chỉ gặp ở những người hoạt động trong trời nắng nóng vào thời gian dài. Khi đó, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra, người bệnh có thể rơi vào hôn mê.
Mọi người cần mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành kết hợp với sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30. Uống nhiều nước để tránh mất nước, ít nhất khoảng 8 cốc gồm nước lọc, nước trái cây hoặc nước rau… Tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích bổ sung đồ uống thể thao giàu chất điện giải trong các đợt nóng.
Khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách hà hơi, ép tim cho người bệnh trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu đến, khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh. Khi bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, người thân, người tiếp cận sớm nhất với bệnh nhân cần tiến hành cấp cứu hồi sức. Không nên đợi bác sĩ đến mới cấp cứu sẽ chậm thời gian vàng.
>> Đọc thêm: Tại sao nên sử dụng an cung trúc hoàn để phòng ngừa đột quỵ