Phân biệt đột quỵ và cơn đau tim

Đột quỵ và cơn đau tim là hai bệnh khác nhau nhưng hai bệnh này có 1 điểm chung là cực kì nguy hiểm. Vậy đột quỵ và cơn đau tim khác nhau như thế nào? Hãy cùng đi tìm hiểu ngay sau đây!

Phân biệt đột quỵ và cơn đau tim

Cả đột quỵ (tai biến mạch máu não) và cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Do đó, điều quan trọng là phải nhận ra các triệu chứng của các tình trạng này một cách nhanh nhất và nằm trong “giờ vàng”, vì thực tế các phương pháp điều trị hiện đại có thể cải thiện cơ hội sống sót và làm giảm tình trạng tàn tật nếu được xác định chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.

phan-biet-dot-quy-va-con-dau-tim

Khác biệt giữa đột quỵ và cơn đau tim

Cả cơn đau tim và đột quỵ đều là các bệnh lý của hệ tuần hoàn cơ thể. Cả hai loại bệnh lý này đều liên quan đến tắc hẹp các động mạch, tạo cơ hội phát triển cục máu đông ngăn cản sự lưu thông máu đến một vùng quan trọng của cơ thể, cụ thể ở đây là não và tim. Khi sự giảm cung cấp máu xảy ra sẽ có tình trạng chết tế bào và mất chức năng hoạt động của bộ phận bị thiếu máu.

Đột quỵ là sự tắc nghẽn của một hoặc nhiều động mạch cung cấp máu cho não. Do cục máu đông hình thành trong động mạch và tắc tại chỗ động mạch hẹp, dẫn đến một phần của não được nuôi dưỡng bởi động mạch đó sẽ thương tổn và chết tế bào. 

Có hai loại: Loại thứ nhất thường gặp, là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (chiếm 80% các trường hợp đột quỵ). Loại thứ hai, là đột quỵ do chảy máu não (chiếm 15%). Đột quỵ do chảy máu não có xu hướng nguy hiểm hơn là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Và 5% còn lại do các nguyên nhân khác như phình mạch não…

Cơn đau tim là tình trạng tổn thương cơ tim do giảm lưu lượng máu cung cấp cho một vùng cơ tim. Thông thường, do cục máu đông phát triển trong lòng của một trong các động mạch vành cung cấp lưu lượng máu đến cơ tim.

Nguyên nhân khác nhau?

Cơn đột quỵ có liên quan đến tăng huyết áp và hẹp dần lòng mạch của các động mạch cung cấp máu cho não. Đột quỵ cũng có thể do các chất béo, huyết khối, tế bào ung thư, vi khuẩn hoặc bong bóng khí phát sinh ở những nơi khác theo dòng máu đi đến não và tích tụ gây tắc trong động mạch cung cấp máu cho não.

Trong khi đó, phần lớn các cơn đau tim là kết quả của bệnh lý bệnh động mạch vành, trong đó có sự giảm dần kích thước trong lòng mạch vành và dẫn đến hẹp hoặc tắc mạch vành. Các yếu tố nguy cơ cơn đau tim bao gồm béo phì, tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường và lối sống tĩnh tại.

Triệu chứng khác nhau

Các triệu chứng của đột quỵ bao gồm mờ mắt hoặc mất thị lực đột ngột, yếu đột ngột ở một bên cơ thể hoặc ở mặt, tê một vùng cơ thể, khó nuốt, đau đầu dữ dội và đột ngột, ngã hoặc mất ý thức.

Các triệu chứng chính của cơn đau tim bao gồm: đau ngực hoặc khó chịu trong ngực, cảm thấy như một khối chèn ép sau xương ức. Đau có thể lan ra từ ngực đến hàm, dạ dày, lưng, vai trái, hoặc cánh tay. Có thể đi kèm nhịp tim bất thường, thở dốc, khó tiêu hoặc các triệu chứng khác như chứng ợ nóng, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn hoặc nôn mửa, hoặc cảm giác lo âu hoặc yếu người rõ rệt.

Triệu chứng của cả hai bệnh lý này có thể xảy ra khá nhanh, vì vậy nếu bạn hoặc người nhà của bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, dứt khoát không được bỏ qua. Thay vào đó, hãy gọi xe cấp cứu đến ngay bệnh viện, ngay cả khi bạn không chắc chắn mình bị đột quỵ hay cơn đau tim.

Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não

Đối với đột quỵ: Việc điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại đột quỵ được xác định.

Nếu bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, trọng tâm của điều trị là tạo sự tái lưu thông các mạch máu dẫn đến não. Điều trị có thể bao gồm sử dụng aspirin, chất ức chế kết tập tiểu cầu và truyền tĩnh mạch một chất làm tiêu sợi huyết nhưng phải được áp dụng sớm trong “giờ vàng”, trong vòng 4 giờ rưỡi đầu kể từ khi bắt đầu có triệu chứng để tránh khỏi chết tế bào não không phục hồi. 

Phẫu thuật có thể được thực hiện để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ. Loại phẫu thuật này được gọi là “cắt bỏ áo trong động mạch cảnh”. Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ mở động mạch bị ảnh hưởng và loại bỏ mảng bám khỏi động mạch. Nong mạch cũng có thể được thực hiện. 

Đối với đột quỵ do chảy máu não, trọng tâm chính là giảm áp lực máu trong não và ngăn chặn chảy máu. Cách điều trị thông thường liên quan đến việc dùng thuốc để giảm áp lực máu trong não và ngăn ngừa cơn động kinh. Phẫu thuật cũng có thể được sử dụng để đối phó với các khu vực giảm cung cấp của các mạch máu trong não.

Đối với cơn đau tim: Có một sự khác biệt giữa đột quỵ và cơn đau tim, nhưng điều trị có những điểm tương tự điều trị đột quỵ. Mục tiêu chính của điều trị cơn đau tim là hạn chế tạo thành cục máu đông trên mảng bám thành động mạch. 

Sử dụng thuốc cấp cứu sớm để làm giảm bớt mức độ tổn thương của tim và cho thuốc trong “giờ vàng”, trong vòng 1-3 giờ sau khi các triệu chứng cơn đau tim bắt đầu. Các loại thuốc phổ biến nhất dùng để điều trị cơn đau tim cấp là các thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin, plavix. 

Việc sử dụng tPA giúp phá vỡ cục máu đông làm tái lưu thông cho các mạnh vành bị tắc cho thấy hiệu quả trong “giờ vàng”. Ngoài ra, bác sĩ có thể chọn phương pháp nong mạch vành khẩn cấp với đặt stent mạch vành cấp cứu.

Cả đột quỵ và cơn đau tim nguyên nhân là do bệnh lý mạch máu, mặc dù có một số khác biệt trong chẩn đoán và can thiệp điều trị, nhưng về cơ bản có một số tương đồng trong chiến lược điều trị như dùng thuốc tiêu sợi huyết và áp dụng hiệu quả trong “giờ vàng”, mục đích cuối cùng đều giúp đạt được sự tái lưu thông mạch máu bị tắc hẹp. 

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ hình thành của hai bệnh lý này khá tương tự. Điều này cho thấy nếu bạn biết phát hiện và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch như béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm mạn tính, stress… có thể mang lại một hiệu quả tốt trong dự phòng tiên phát và thứ phát cho cả đột quỵ và cơn đau tim.

> Mọi thông tin cần tư vấn về bệnh đột quỵ và cách điều trị bệnh đột quỵ vui lòng liên hệ: 0988292525 – 0963015446

Đọc thêm: Cách sơ cứu người bị đột quỵ