Từ lâu, nhiều người vẫn cho rằng chỉ có người lớn mắc các chứng tai biến mạch máu não hoặc xuất huyết não, chứ trẻ em thì không. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm, bởi thực tế hiện nay số trường hợp trẻ em bị xuất huyết não đang tăng cao với tỉ lệ mắc bệnh khoảng 30%. Và đã có nhiều trường hợp trẻ bị tử vong vì không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhi nam (11 tuổi) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Trước đó, bé đang khoẻ mạnh tự dưng đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, sau đó choáng, sau 30 phút thì hôn mê… Ngay lập tức, bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện ở địa phương điều trị. Chụp CT cấp cứu cho thấy, hình ảnh xương sọ bình thường nhưng có xuất huyết não.
Bệnh nhân được thở máy, điều trị 2 ngày ở bệnh viện địa phương với các thuốc an thần, chống phù não. Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều cơn co giật nên bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Khi vào Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân vẫn trong cơn hôn mê, huyết áp chỉ 80/50 và xuất hiện nhiều cơn co giật toàn thân. Các bác sĩ Khoa Nhi tiếp tục điều trị bằng thuốc chống phù não, an thần, chống giật.
Ngoài ra, bệnh nhân được dùng kháng sinh, thuốc bảo vệ não và vitamin K. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân vẫn được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ bằng ăn qua đường truyền. Đến ngày thứ 8, bệnh nhân tỉnh táo, được rút nội khí quản. Tuy nhiên, khi chụp mạch não đã phát hiện hình ảnh ổ dị dạng vùng tiểu não, nói gọn lại là dị dạng động – tĩnh mạch.
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 TP.HCM cũng như bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm các bệnh viện này phải tiếp nhận khoảng trên 100 lượt bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng của tai biến mạch máu não dạng xuất huyết. Hầu hết các cháu khi nhập viện đều có các triệu chứng như nhức đầu, kèm ói, hoặc nặng hơn là lơ mơ.
Và ít người biết rằng đây chính là dấu hiệu của xuất huyết dị dạng mạch máu não, chính vì vậy trẻ thường nhập viện ở giai đoạn muộn.
Hầu hết các trường hợp phải điều trị rất lâu, thậm chí đến 2 năm sau. Trường hợp của bé Nguyễn Ngọc Ánh, Hà Nội, dù đã được điều trị sớm nhưng sau 2 tuần điều trị nội khoa, bé vẫn phải thực hiện can thiệp nội mạch bằng ống thông nhỏ từ đùi đưa lên não để phát hiện khối dị dạng mạch máu não mới có thể điều trị dứt điểm.
Với những tiến bộ hiện nay, tai biến mạch máu não ở trẻ nhỏ đã có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, can thiệp nội mạch và xạ phẫu bằng dao gamma xuất liều cao.
Tuy nhiên, do triệu chứng không rõ ràng, cùng tâm lý chủ quan của phụ huynh nên đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị tử vong, hoặc tổn thương não, thần kinh là rất lớn.
Với tỉ lệ khoảng 30% trẻ có thể bị tai biến như hiện nay, các bậc phụ huynh cần lưu ý bệnh lý này khi trẻ có những triệu chứng nhức đầu dữ dội kèm nôn ói thì phải đưa ngay đến cơ sở chuyên khoa, để được điều trị kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc cho trẻ.
>>Xem thêm: Bài thuốc an cung trúc hoàn điều trị tai biến mạch máu não