Cách chăm sóc giúp người cao tuổi bị tai biến nhanh chóng phục hồi

Tai biến mạch máu não là một thực trạng thường gặp, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở người cao tuổi. Nhưng nếu gia đình tin tưởng và biết chăm sóc đúng cách, người bệnh vẫn có thể hồi phục tích cực, phòng ngừa tái phát.

Cách chăm sóc giúp người cao tuổi bị tai biến nhanh chóng phục hồi

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Các tế bào não sẽ chết đi trong vài phút, khiến các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê cứng, mất cảm giác nửa người, thậm chí hôn mê. Đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nam giới.

cham-soc-benh-nhan-tai-bien

Sau tai biến, bệnh nhân có hồi phục hoàn toàn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mức độ tổn thương, tuổi tác, tiền sử bệnh lý, thời gian phát hiện… Nhưng chính chế độ chăm sóc và trị liệu mới là yếu tố quyết định đến khả năng bình phục của người bệnh. Gia đình bệnh nhân không nên lo lắng quá mức, nếu kiên trì và tập luyện đúng cách thì vùng não tổn thương sẽ có khả năng tái tạo cả về giải phẫu lẫn chức năng, khắc phục di chứng và chống tái phát hiệu quả.

Sau đây là những gợi ý chăm sóc giúp nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân sau tai biến.

1. Chế độ dinh dưỡng

Theo khuyến cáo của WHO, thực đơn cho người sau tai biến cần cân bằng giữa protein, chất béo và carbonhydrate. Bệnh nhân cần ăn nhiều rau quả tươi, thức ăn nên cắt nhỏ hoặc hầm nhừ, ưu tiên các món mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…

Cần tránh các chất bột đường, đồ chiên xào, hạn chế muối vì dễ hấp thụ nước gây tăng huyết áp và biến chứng. Ngoài ra, cần đặc biệt tránh các chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê).

2. Chế độ sinh hoạt, tập luyện

Chăm sóc bệnh nhân sau tai biến cần tỉ mỉ, kiên nhẫn, chú trọng cả thể chất và tinh thần của người bệnh. Chúng ta cần học tập phương pháp chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản, khuyến khích bệnh nhân tự chủ trong sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm phù hợp và tập luyện đúng cách để nhanh hồi phục.

Nếu bệnh nhân chưa tự vận động được, người nhà nên xoa bóp các bắp cơ, đặc biệt là phía bị liệt để tránh teo cơ, cứng khớp. Phải luôn khuyến khích người bệnh tập đi lại, lúc đầu có thể cần người hỗ trợ. Sau đó, nên tạo điều kiện để bệnh nhân dần chủ động trong sinh hoạt, không phụ thuộc vào người chăm sóc. Cần thu dọn các dụng cụ, đồ vật dễ gây vấp ngã, đóng tay vịn ở bên không bị liệt để bệnh nhân dễ dàng vịn đứng lên. Nên cho người bệnh mặc quần áo rộng rãi để các cụ dễ mặc, dễ cởi; đặt nước uống, giấy vệ sinh ở vị trí thuận tiện để bệnh nhân tự phục vụ.

Với người có thể tự đi lại, gia đình cần khuyến khích bệnh nhân tự chủ tối đa, chỉ hỗ trợ khi thật sự cần thiết. Cần duy trì chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học, ăn, ngủ đúng giờ. Không nên nằm nhiều, tránh ngồi một chỗ, có thể làm việc nhà nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng.

Bệnh nhân cũng nên tập thể dục thể thao 15 – 20 phút mỗi ngày, chú trọng những bài tập vừa phải như đi bộ, chạy bộ, đạp xe; tránh những bài tập cần dùng sức quá mức như đu xà, tập tạ…

3. Vấn đề vệ sinh

Vấn đề vệ sinh cũng cần được đặc biệt lưu ý với bệnh nhân sau tai biến. Người Nhật quan niệm rằng: mỗi bước gần hơn tới tự chủ về vệ sinh là một bước gần hơn tới cuộc sống bình thường của người khỏe mạnh. Do đó, cả người nhà và bệnh nhân nên tìm hiểu để sử dụng loại tã giấy phù hợp cho mỗi đối tượng, dựa vào khả năng đi lại.

Người cao tuổi có thể đi lại nên mặc tã quần để tự chăm sóc bản thân dễ dàng hơn. Họ cũng được khuyến khích tự đi vệ sinh trong toilet thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào tã giấy. Điều này vừa nâng cao lòng tự tôn, vừa giúp bệnh nhân hướng đến cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Những người có khả năng đi lại hạn chế nên dùng tã dán để thuận tiện cho người chăm sóc khi thay tã cho người dùng trong tư thế nằm. Tã dán được cố định bằng khóa dính, cho phép điều chỉnh linh hoạt độ rộng vòng hông tùy theo kích thước cơ thể người bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thêm nhiều miếng lót bổ sung trên cùng một miếng tã giấy để giữ vệ sinh mà không lo tốn kém. Tấm đệm lót cũng là công cụ hữu hiệu để giữ sạch giường và xe lăn cho người bệnh.

Như vậy, bệnh nhân hoàn toàn có thể bình phục hiệu quả sau tai biến nếu có chế độ chăm sóc, tập luyện khoa học và tinh thần lạc quan, tin tưởng. Gia đình nên động viên người bệnh thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng tự chủ, đồng thời tìm hiểu và chọn lựa sản phẩm phù hợp với mình, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi sau tai biến.

> Mọi thông tin cần tư vấn về bệnh tai biến mạch máu não vui lòng liên hệ: 0988292525 – 0963015446

 

>> Xem thêm: cách tập luyện cho người bệnh tai biến liệt nửa người